Từ xưa, gấc đã được xem như một loại trái quý, có tác động tích cực đến sức khỏe và sắc đẹp của người dùng. Trong nhiều bài thuốc cổ truyền, gấc còn là thành phần chính, giúp bổ máu, lưu thông khí huyết, tăng cường sức khỏe. Ngày nay, gấc càng trở nên phổ biến và được ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, việc lưu giữ và bảo quản trái gấc tươi trong thực tế là điều rất khó, vì vậy mà con người đã nghĩ ra những cách làm dầu gấc hết sức độc đáo, không những giúp tinh lọc thành phần dinh dưỡng có ích của quả gấc mà còn lưu giữ được chúng trong một thời gian dài. Và trong bài viết này, chuyên mục sẽ chia sẻ tới bạn những cách làm dầu gấc nguyên chất tại nhà đơn giản và được nhiều người tin dùng nhất.
Trên thực tế, chúng ta có thể chia dầu gấc thành hai loại: dầu gấc nguyên chất và dầu gấc thông thường. Hai loại dầu gấc này có cách làm tương tự nhau nhưng khác nhau đôi chút về thành phần và tỷ lệ.
Cách làm dầu gấc thông thường
Để chiết xuất loại dầu gấc thông thường, chúng mình cần chuẩn bị:
- 1 quả gấc
- 200-300 ml dầu ăn thường(nếu dùng để ăn và nấu nướng)
- 200-300 ml dầu dừa hoặc dầu oliu (nếu dùng để làm đẹp)
- Rây lọc
- Máy xay sinh tố
- Lọ thủy tinh (để đựng thành phẩm)
- Nồi hoặc chảo chống dính
Cách làm:
Bước 1: Đầu tiên, bạn cần chọn mua một quả gấc “đẹp”. Cách chọn gấc “đẹp” rất đơn giản, bạn nên để ý tới những quả tròn, chín đỏ, gai nở đều, mềm và không có vết lõm tối màu vì đây là biết hiện của quả bị dập.
Bước 2: Bổ đôi quả gấc, để tách lấy phần ruột gấc. Phần mà chúng ta sẽ sử dụng để chiết xuất dầu gấc chính là phần màng đỏ bao quanh hạt gấc hay còn gọi là cơm màng gấc/ thịt gấc.
Bước 3: Phơi hạt gấc.
Khi mới bổ gấc ra, phần cơm màng gấc rất nhão, khó bóc. Vì vậy để bóc phần cơm màng dễ dàng hơn, bạn nên phơi dầu gấc này ngoài trời khô ráo, tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời hoặc để trong ngăn mát tủ lạnh trong khoảng 2-3 tiếng để màng gấc se lại, dễ bóc hơn.
Bước 4: Tách cơm màng gấc ra khỏi hạt gấc.
Bạn dùng dao sạch rạch một đường nhỏ, khẽ lách dao để tách phần cơm màng gấc ra khỏi hạt gấc. Bạn chú ý nên sử dụng dao có đầu nhọn và lưỡi sắc để viêc lọc cơm màng gấc được dễ dàng hơn. Tốt nhất là sử dụng dao tỉa hoa quả vì loại dao này nhỏ, dễ cầm mà đảm bảo được độ nhọn và độ sắc của dao (hoặc không thì sử dụng dao tỉa trầu của các cụ nhà mình cũng được).
Bước 5: Phơi cơm màng gấc.
Bây giờ chúng mình sẽ mang cơm màng đã bóc đi phơi để giảm lượng nước của cơm màng, nhằm mục đích giảm quá trình tiếp xúc nhiệt của gấc khi đun, như vậy chất lượng dầu gấc sẽ tốt hơn.
Bước 6: Xay cơm màng gấc đã phơi với dầu.
Bạn cho cơm màng gấc đã phơi vào máy xay sinh tố cùng với 200-300 ml dầu ăn hoặc dầu dừa (dầu oliu) để xay nhỏ phần nhằm mục đích làm cho gấc dễ hòa tan trong dầu ăn hơn. Bạn không cần xay quá nhuyễn đâu nhé.
Thay vì sử dụng máy xay sinh tố, bạn cũng có thể dùng dao cắt nhỏ cơm màng gấc thành những miếng nhỏ trước khi đun.
Bước 7: Đun cơm màng gấc trong nồi hoặc chảo chống dính để chiết xuất tinh dầu gấc.
Bạn cho hỗn hợp vừa xay vào nồi hoặc chảo chống dính, sau đó để lên bếp và điều chỉnh nhiệt độ khoảng 70-100 độ C đối với bếp điện, đun trên lửa nhỏ đối với bếp ga. Không nên dùng nhiệt quá cao vì nhiệt độ càng cao thì thành phần dinh dưỡng trong dầu gấc càng dễ phân hủy.
Bạn duy trì nhiệt độ sao cho phần nước còn lại có thể bốc hơi, dầu gấc từ trong gấc có thể tiết ra ngoài và hòa tan trong dầu ăn hoặc dầu dừa (dầu oliu).
Bước 8: Đảo đều khi đun.
Vừa đun bạn vừa đảo đều, quá trình này kéo dài khoảng 30 phút cho đến khi phần bã còn lại có màu nâu vàng, nếm thử hơi giòn giòn một chút.
Bước 9: Lấy rây lọc bỏ bã đi, chúng ta sẽ thu được phần dầu gấc.
Bước 10: Để dầu gấc nguội, bạn rót vào lọ thủy tinh, bảo quản nơi khô ráo, tránh ánh nắng mặt trời chiếu vào.
Trên đây là quy trình làm dầu gấc thông thường chuẩn cho bạn tham khảo. Tiếp theo, chuyên mục sẽ giới thiệu tới bạn cách chiết xuất dầu gấc nguyên chất. Để làm dầu gấc nguyên chất, bạn cần có một lượng gấc khá lớn (thường là trên 5 quả) vì nếu lượng gấc quá ít thì khi bạn chiết xuất dầu gấc nguyên chất, phần đa dầu sẽ thẩm thấu vào phần bã, lượng dầu mà bạn chiết xuất được ra vô cùng ít.
Cách làm dầu gấc nguyên chất
Để chiết xuất dầu gấc nguyên chất, chúng mình cần chuẩn bị:
- 5 quả gấc chín đỏ, mềm đều
- Rượu trắng theo tỷ lệ cứ 1 phần thịt quả gấc cần 1,5 phần rượu trắng
- Máy xay sinh tố
- Chảo chống dính
- Rây để lọc thành phẩm
- Lọ đựng thành phẩm
Cách làm:
Bước 1: Bổ đôi quả gấc lấy phần hạt đỏ.
Bước 2: Bạn dùng dao sạch rạch một đường nhỏ, khẽ lách dao để tách phần cơm màng gấc ra khỏi hạt gấc. Hoặc đơn giản hơn thì bạn có thể dùng muỗng thìa để cạo (tất nhiên sẽ không hiệu quả như khi dùng dao đâu nhé).
Bước 3: Cho cơm gấc với rượu trắng vào máy xay sinh tố để xay nhỏ.
Bước 4: Cho hỗn hợp vừa xay qua rây lọc để bỏ bớt bã.
Bước 5: Đổ hỗn hợp vừa rây vào chảo chống dính và đun trên lửa nhỏ từ 70 độ C trở xuống.
Vừa đun bạn vừa dùng đũa đảo để gấc chín đều, cứ khoảng 10 phút đảo 1 lần, dầu gấc từ trong gấc sẽ dần dần tiết ra. Khi làm dầu gấc nguyên chất, rượu đóng vai trò là dung môi quan trọng, nó có tác dụng chiết tất cả chất béo có lợi trong gấc cũng như mùi thơm của gấc ra, chất dinh dưỡng trong cơm gấc sẽ được tiết ra để hình thành dầu gấc. Khi cô đặc lên, rượu bay hơi và nước cũng bay hơi theo, phần còn lại chính là dầu gấc nguyên chất. Thời gian làm một mẻ dầu gấc như thế này là khoảng 2-2,5 tiếng đồng hồ.
Bước 6: Rây lọc dầu gấc nguyên chất, bỏ bã.
Khi phần bã bắt đầu chuyển màu vàng nâu, hoặc khi đạt 2-2,5 tiếng đồng hồ, bạn tắt bếp và rây lọc hỗn hợp để chiết xuất lấy phần dầu gấc, bỏ bã.
Bước 7: Đợi dầu nguội, bạn rót dầu gấc vào lọ thủy tinh để bảo quản.
Như vậy chuyên mục vừa giới thiệu tới các bạn hai quy trình làm dầu gấc tại nhà, một quy trình làm dầu gấc thông thường và một quy trình làm dầu gấc nguyên chất. Đây là hai quy trình chuẩn để làm dầu gấc. Ngoài ra, còn có một số cách làm dầu gấc tại nhà khá hay mà các bạn có thể tham khảo thêm.
Cách làm dầu gấc bằng nồi cơm điện
Để làm dầu gấc theo phương pháp này, bạn cần chuẩn bị:
- Gấc và dầu ăn hoặc dầu dừa, dầu oliu với tỷ lệ cứ 1 quả gấc cần 200-300 ml dầu ăn, dầu dừa hoặc dầu oliu
- Máy xay sinh tố
- Nồi cơm điện
- Rây lọc
- Lọ thủy tinh
Cách làm:
Bước 1: Đầu tiên, bạn chọn quả gấc chín có màu đỏ, cuống tươi, vỏ mềm.
Bước 2: Cắt đôi quả gấc, tách lấy phần hạt phía trong.
Bước 3: Phơi hạt gấc trong trời khô ráo tránh phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hoặc để hạt gấc trong ngăn mát tủ lạnh để màng gấc se lại.
Bước 4: Bạn có thể tách lấy phần cơm vàng của hạt gấc để chiết xuất dầu gấc. Phần cơm vàng của hạt gấc khi xanh có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng. Gấc càng chín thì thành phần dinh dưỡng của cơm vàng lại chuyển dần vào phần cơm màng áo hạt phía trong. Tuy vậy, phần cơm vàng của gấc chín vẫn còn chứa nhiều DHA và dinh dưỡng, bạn có thể tách lấy phần cơm vàng này để làm dầu gấc.
Bước 5: Cắt phần cơm vàng thành những miếng nhỏ đều nhau để khi đun gấc sẽ chín đều, không bị cháy.
Bước 6: Dàn đều cơm vàng, hạt gấc đem phơi để giảm lượng nước trong gấc, khi chiết xuất, quá trình tiếp xúc nhiệt sẽ giảm đi, chất lượng dầu gấc tốt hơn.
Bước 7: Tách thịt gấc ra khỏi hạt gấc.
Bước 8: Chuẩn bị một nồi cơm điện có mặt trong được tráng qua một lớp nước sạch.
Bước 9: Cắm điện ấn nút “cook” cho nồi khô nước và nóng nhẹ, nồi sẽ nẩy về nút “warm”,sau đó bạn cho một ít dầu ăn vào để khi cho gấc vào không bị dính nồi và ấn nút “cook”.
Bước 10: Cho gấc vào nồi.
Bạn cho phần cơm vàng vào trước vì cơm vàng dày hơn, mất thời gian lâu hơn để seo lại.
Bước 11: Cho dầu ăn hoặc dầu dừa, dầu oliu vào, cứ 1 quả gấc bạn cho 200-300 ml dầu ăn hoặc dầu dừa, dầu oliu. Chờ
khoảng 20-30 phút cho phần cơm vàng hơi seo lại, bạn cho phần thịt đỏ của gấc vào nồi và tiếp tục nấu.
Bước 12: Chờ dầu sôi, thỉnh thoảng bạn đảo đũa cho gấc chín đều.
Bước 13: Để dầu sôi trong khoảng hơn 1 tiếng, cho đến khi dầu gấc trong gấc tan ra hòa vào trong dầu có màu đỏ, phần bã cơm vàng, thịt gấc chuyển sang màu nâu đỏ, hơi giòn thì bạn bật nồi sang nút “warm” và vớt phần bã ra.
Bước 14: Chờ dầu nguội, bạn dùng rây lọc bớt cặn và rót dầu gấc vào lọ thủy tinh bảo quản dùng dần.
Cách làm dầu gấc bằng nồi cơm điện là một ý tưởng khá hay, Khi chiết xuất dầu gấc bằng nồi cơm điện, bạn sẽ không lo gấc bị cháy vì nhiệt độ của nồi thấp và ổn định, tuy nhiên làm dầu gấc bằng nồi cơm điện mất thời gian khá lâu so với cách làm dầu gấc bằng nồi thường đun trên bếp ga hoặc bếp điện. Ngoài cách đun bằng nồi cơm điện hoặc đun trên bếp, thì sử dụng chõ hấp cũng được coi là một trong những cách làm dầu gấc nguyên chất tại nhà đơn giản mà các bạn có thể tham khảo thêm.
Cách làm tinh dầu gấc bằng chõ hấp
Để chiết xuất tinh dầu gấc theo phương pháp này, chúng mình cần chuẩn bị:
- 5-10 quả gấc chín đều
- chõ hấp
Cách làm:
Bước 1: Đầu tiên, chúng mình bổ đôi quả gấc để múc lấy phần ruột gấc ra bát tô.
Bước 2: Dùng muỗng cạo lấy phần thịt gấc đỏ, bỏ phần hạt đi.
Bước 3: Cho phần thịt gấc vừa nãy vào chõ hấp.
Bước 4: Hấp cách thủy thịt gấc cho đến khi gấc chín, sau đó đem đi ép lấy nước nguyên liệu, đó chính là tinh dầu gấc nguyên chất.
Bốn cách làm dầu gấc mà chuyên mục vừa chia sẻ tới các bạn là bốn cách làm dầu gấc đơn giản và hiệu quả .
Lưu ý với những cách làm dầu gấc nguyên chất tại nhà
- Khi chọn gấc, bạn nên chọn quả gấc tròn, chín đỏ đều, gai nở đều, vỏ mềm.
- Sau khi bổ quả lấy phần ruột gấc, bạn có thể phơi hoặc để ngăn mát tủ lạnh cho gấc se lại, bớt nhão trước khi tách lấy cơm màng gấc, hoặc cũng có thể dùng muỗng cạo lấy phần thịt đỏ của gấc. Tuy nhiên, cách phơi hạt gấc sẽ làm cho lớp cơm màng se lại sẽ giúp bạn thực hiện việc tách thịt gấc dễ dàng và đỡ lãng phí hơn.
- Ngoài phần cơm màng gấc đỏ bọc ngoài hạt, bạn có thể lấy phần cơm vàng của trái gấc để chiết xuất dầu gấc. Phần cơm vàng này chính là phần cùi nằm ngay cạnh phần ruột gấc, khi gấc xanh, phần cơm vàng này chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất của trái gấc, khi gấc càng chín, chất dinh dưỡng chuyển dần vào phần cơm màng áo hạt phía trong. Tuy nhiên, phần cơm vàng khi chín vẫn còn nhiều chất dinh dưỡng đáng để tận dụng là tinh dầu gấc, đặc biệt là DHA.
- Bạn có thể dùng dầu ăn thường, dầu dừa hay dầu oliu để chiết xuất dầu gấc. Nếu dùng dầu gấc cho mục đích ăn uống, nấu nướng, bạn nên dùng dầu ăn thường để tiết kiệm chi phí, nếu dùng cho mục đích làm đẹp, bạn nên dùng dầu dừa hoặc dầu oliu để đạt hiệu quả mong muốn.
- Không nên đun gấc ở nhiệt quá cao, một số thành phần dưỡng chất trong gấc sẽ bị phân hủy.
- Không nên đun dầu gấc quá lâu, nếu quá lửa, dầu gấc sẽ bị cháy, điều đó có nghĩa là các thành phần dưỡng chất trong dầu gấc sẽ bị phân hủy, dấu hiệu nhận biết: dầu gấc bị sậm màu, từ màu đỏ dần chuyển sang đỏ nâu, phần bã bị cháy nâu đen.
- Bạn có thể điều chỉnh lượng gấc hay lượng dầu ăn, dầu dừa, dầu oliu theo ý bạn để được một chai dầu gấc loãng, đậm đặc hay nguyên chất. Để làm một chai dầu gấc thông thường, cứ 1 quả gấc bạn cần 200-300 ml dầu ăn, dầu oliu hoặc dầu dừa, nếu muốn đậm đặc hớn, cứ 1 quả gấc bạn dùng 150 ml dầu oliu hoặc dầu dừa, còn chiết xuất dầu ăn nguyên chất bạn dùng dầu gấc và rượu với tỷ lệ cứ 1 phần thịt gấc cần 1,5 phần rượu (khi cô rượu và nước bay hơi hết, ta được dầu gấc nguyên chất), hoặc bạn có thể dùng chõ hấp để chiết xuất dầu ăn nguyên chất.
- Ở cách làm dầu gấc nguyên chất, bạn có thể dùng dầu dừa hoặc dầu oliu với một lượng nhỏ để thay thế rượu. Với mỗi một quả gấc 600-700 g, bạn dùng khoảng 150 ml dầu dừa hoặc dầu oliu, không được dùng dầu ăn. Tuy nhiên, khi dùng rượu làm dung môi, dầu gấc thu được vẫn nguyên chất hơn.
- Tất cả các dụng cụ sử dụng trong quá trình làm dầu gấc đều phải sạch sẽ, khô ráo trước khi làm.
Dầu gấc với nhiều chất dinh dưỡng quan trọng chăm sóc sức khỏe gia đình bạn, đặc biệt là trẻ nhỏ đang trong thời gian ăn dặm. Đối với phái đẹp, dầu gấc hơn hẳn các loại mỹ phẩm bán ngoài cửa hàng bởi sự lành tính, an toàn tiết kiệm mà vô cùng hiệu quả trong việc chăm sóc da, chăm sóc tóc và nhiều công dụng làm đẹp khác. Hy vọng với bài viết chia sẻ về những cách làm dầu gấc nguyên chất tại nhà, bạn có thể tự làm được những chai dầu gấc thật chất lượng để chăm sóc sức khỏe của cả gia đình và làm tăng thêm vẻ đẹp tươi trẻ cho chính mình. Chúc bạn thành công!
By: kheotay.com.vn